0

Rối loạn phân ly là gì? (phần 2) | Safe and Sound

Rối loạn phân ly là một trong các bệnh lý tâm thần thường gặp. Bệnh có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ, cấp tính hoặc mãn tính và triệu chứng của rối loạn này thường do chấn thương tâm lý gây ra. Rối loạn phân lý thường gặp ở nữ với tỷ lệ nữ/nam là 2/1. 

Nguyễn Thị Hồng Hạnh | Bác sĩ - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

2. Đặc điểm rối loạn phân ly

a. Trốn nhà phân ly

  • Hiếm gặp hơn.
  • Thường xuất hiện sau một thảm hoạ hoặc sang chấn tâm lý trong chiến tranh.
  • Tỷ lệ mắc giữa nam và nữ, tuổi khởi phát thường thay đổi.
  • Lạm dụng rượu là một nhân tố thuận lợi. Thường gặp ở những người có nhân cách bệnh ranh giới, phân ly, dạng phân liệt.

Ảnh 1: Trốn nhà phân ly hiếm gặp trong rối loạn phân ly

Biểu hiện:

  • Đột nhiên quên (phân ly) kết hợp với một chuyến đi, bề ngoài có vẻ có mục đích, không lú lẫn, tự chăm sóc được, thường xa chỗ ở.
  • Cũng có thể mất toàn bộ trí nhớ đối với các sự kiện của quá khứ và người bệnh không ý thức được về sự mất trí nhớ này.
  • Có thể có bối rối và rối loạn định hướng trong chuyến đi.
  • Cơn thường ngắn trong vài giờ nhưng cũng có thể kéo dài hàng tháng, đi rất xa chỗ ở.
  • Phục hồi tự phát và nhanh chóng, ít tái phát.

b. Sững sờ phân ly

  • Thường gặp sau những sự kiện gây sang chấn tâm lý gần dây hoặc những vấn đề xã hội hay trong quan hệ giữa các cá nhân.
  • Giảm hoặc bất động ngay cả khi có các kích thích bên ngoài.
  • Giữ nguyên tư thế trong thời gian dài.
  • Không nói, không cử động.
  • Có thể nhắm mắt hoặc mở mắt, có cử động nhãn cầu phối hợp chứng tỏ người bệnh không ngủ cũng như không mất ý thức.
  • Cần phân biệt với sững sờ căng trương lực của tâm thần phân liệt và sững sợ trầm cảm hoặc hưng cảm.

c. Các rối loạn lên đồng và bị xâm nhập

  • Không phải là hiếm như quan niệm trước kia.
  • Thường gặp ở thanh thiếu niên và người trẻ, nữ nhiều hơn nam.

Ảnh 2: Rối loạn lên đồng và bị xâm nhập thường gặp ở thanh thiếu niên và người trẻ

Biểu hiện:

  • Tồn tại trên cùng một đối tượng nhiều nhân cách khác nhau (thường là nhân cách đôi), các hành vi và tư duy thay đổi phù hợp với nhân cách đang xuất hiện.
  • Có sự chuyển đổi đột nhiên từ nhân cách này sang nhân cách khác.
  • Nói chung đang ở nhân cách này thì quên nhân cách vừa diễn ra trước đó.
  • Thường có khuynh hướng mạn tính và hồi phục không hoàn toàn.
  • Cần phân biệt rối loạn này xảy ra trong bệnh tâm thần phân liệt, loạn thần cấp có các ảo giác, hoang tưởng, động kinh thái dương, chấn thương sọ não hoặc nhiễm độc các chất gây nghiện.

3. Chẩn đoán rối loạn phân ly

Phải dựa trên những nguyên tắc sau:

  • Bệnh xuất hiện sau một sang chấn tâm lý hay một hoàn cảnh xung đột.
  • Bệnh xuất hiện trên một nhân cách bệnh phân ly.
  • Triệu chứng thường xuất hiện đột ngột sau sang chấn tâm lý và lên mức tối đa ngay.
  • Các triệu chứng cơ thể không phù hợp với định khu giải phẫu, không có tổn thương thực thể đi kèm.
  • Áp dụng đúng đắn liệu pháp tâm lý thì bệnh khỏi nhanh.

4. Điều trị rối loạn phân ly

Rối loạn phân ly chủ yếu được các bác sĩ tâm thần điều trị bằng các liệu pháp tâm lý, trong đó liệu pháp ám thị được áp dụng có hiệu quả. Bên cạnh đó, nên kết hợp với việc nâng cao thể trạng, bồi dưỡng nhân cách, tạo không gian môi trường sống phù hợp để cải thiện tình trạng bệnh cho bệnh nhân.

Lưu ý: tuyệt đối không được xem thường bệnh nhân, không được xem đó là bệnh giả vờ mà hắt hủi bệnh nhân. Cần tránh thái độ quá chiều chuộng, quá lo lắng, theo dõi quá chặt chẽ người bệnh. Sử dụng liệu pháp ám thị khi thức hoặc ám thị trong giấc ngủ thôi miên để làm giảm hoặc mất triệu chứng. Hướng dẫn các bài tập thư giãn, các kỹ năng xã hội, kỹ năng giải quyết vấn đề để nâng đỡ nhân cách người bệnh.

Liệu pháp hoá dược được các bác sĩ tâm thần sử dụng ngắn hạn, để tránh người bệnh lệ thuộc vào thuốc. Điều trị các triệu chứng cơ thể và tâm thần nhẹ, nhất thời như mất ngủ, lo âu trầm cảm tâm sinh, các rối loạn thực vật nội tạng,... Các thuốc giải lo âu, chống trầm cảm giúp bệnh nhân giảm bớt lo lắng, căng thẳng.

: Rối loạn phân ly là gì? (phần 2) | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound